3.2.2022
Contents
NUÔI CÀ CUỐNG ĐẺ TRONG 6 THÁNG
Chào các bạn, tôi xin quay lại với các bạn cùng câu chuyện nuôi cà cuống thủa ban đầu của tôi nhé !
Trong số này
-
Tìm mồi khi mới nuôi cà cuống .
-
Cách nuôi cà cuống lúc mới nở .
Tìm mồi khi mới nuôi cà cuống.
Như các bạn đã biết ở phần trước, bước sang giai đoạn 2, là giai đoạn tôi bắt đâu phải học cách chăm cả lũ Cà cuống bố mẹ và nuôi cà cuống con mới nở!
Cái lúc tôi mới tập nuôi, thì mỗi ông “thầy “ dậy mỗi kiểu, và ai cũng cho rằng cách của mình là đúng, là chuẩn cả!
Khốn nỗi cho tôi là thằng tay ngang, thậm chí lúc bé còn chưa nhìn thấy con cà cuống nữa là khác (Vì ở Hà nội khi xưa đâu có nhiều nuôi ao hồ đâu).
Và thế là tôi cứ tự vừa làm vừa trải nghiệm cách nuôi cà cuống !
Hồi đầu tiên, lúc cà cuống nở vào dịp cuối năm, thế nên tôi không mua nổi nòng nọc bé ( nòng nọc khoảng 7 ngày tuổi), vì trái vụ, các chủ trại ếch thường không muốn bán nòng nọc con, mà nếu có bán cũng rất mắc! Tôi còn nhớ khi ấy, ông chủ trại ếch Long an bán cho tôi tới 600k/ kg , mà phải tự đi mà chở. ( Đi về cũng ngoài 40km).
Nhớ đợt mới lần đầu đi chở nòng nọc con, trời nắng quá, về tới nhà lúc đổ ra chúng nó nổi phềnh cả lên, chết hết ! vừa tiếc tiền, tiếc công, mà lại không có mồi cho lũ cà cuống mới nở ăn, hôm sau là chúng chết nổi sạch lên!
Không có mồi con, tôi phải nghĩ nuôi cà cuống bằng cách xoay tìm mồi sang cá con.
Hỏi mãi rồi cũng ra được cái tên cá con phù hợp cho nuôi cà cuống con ! cá trâm.
Vấn đề là tìm đâu ra loại cá này để mà mua ?
Loại cá này rất bé, chỉ nhỉnh hơn đầu tăm chút, con to thì bằng chân hương và chuyên làm cá mồi cho các bể cá cảnh.
Không gì bằng hỏi trên mạng và xách xe chạy tới tận nơi hỏi cho nhanh.
Và thế là tôi nhớ một buổi sáng, tôi xách xe chạy vòng quanh 5 quận huyện SG để … tìm tiệm bán cá cảnh nào có bán loại cá trâm này không ?
Về tay không kèm theo lời hứa hẹn vài bữa nữa! ( Sau này tôi mới biết rằng Cá Trâm không có sẵn và cũng chỉ có theo mùa. Các tiệm cá cảnh thường dặn từ trước để các trại cá ngoài thành phố đưa vào từ sáng sớm. Nên tôi có cất công đi mà không hẹn trước chẳng bao giờ còn mà mua!)
Đợt ấy, tôi mất cũng phải vài ổ trứng cà cuống do không tìm được mồi cho chúng.
Khi ấy, mỗi ổ trứng cà cuống trên mạng hội nhóm nuôi bán cho nhau chí ít cũng quãng 500k/ ổ khoảng 100 trứng! ( 5k/ trứng ! và ở 100 trứng còn là ổ nhỏ! Giá trứng cà cuống bé bằng hạt gạo, mắc hơn trứng gà !)
Dần dần tôi rút được kinh nghiệm, và giai đoạn đầu nuôi cà cuống, hầu như phải mua cá Trâm về cho cà cuống mới nở ăn.
Cá trâm hết mùa cũng thưa thớt dần, các tiệm cá bán giá cao và ít dần , nòng nọc thì cũng chưa tới chính vụ ếch đẻ, nên giá cũng chưa rẻ lại, và câu chuyện mồi để nuôi cà cuống tiếp tục rày vò tôi các bạn ạ.
Loay hoay lại vào mạng, gõ từ khóa cá mồi… trại nuôi cá mồi, …và thế là tôi lần mò ra được một khu chuyên nuôi cá mồi để cung cấp cho các tiệm cá trong Thành phố! Khu này ở Huyện Bình chánh.
Và thế là không đợi thêm thời gian, tôi lên đường đi tìm trại cá mồi ngay. Cũng không xa lắm, đi về cũng tầm 40km .
Sau một hồi vất vả mò google, alo alo tới lui, cuối cùng tôi cũng mò tới nơi, trại là một khu nghĩa trang sâu tít bên trong làng.
Hóa ra anh bạn chủ trại quây một góc nghĩa trang lại thành mấy cái hồ nuôi cá !
Cũng có khá nhiều loại cho tôi lựa . Cá bình tích, cá Trân châu, cá bảy màu,… rất nhiều. Mừng quá, tôi đặt bạn ấy mai chở ngay 5-6 ký cá Trân châu . Và không quên hỏi cách nuôi.
Trên đường về tôi ghé qua vài cái tiệm bán đồ, để mua bơm sục khí .
Thế là ngày hôm đó, sau khi trở về, tôi đã cố gắng làm cho nhanh hệ thống ống sục khí tạm cho mấy cái bể, để sáng hôm sau nhận cá.
Ngay sáng hôm sau, anh bạn bán cá chở một bao tải to đùng bơm khí và cá tới. Mừng khôn siết vì lũ cà cuống có mồi ăn! Và tôi chắc mẩm cũng chí ít cũng phải còn cả tuần nữa không phải lo mồi!
Thế rồi sớm hôm sau tôi ra trại thăm thú tình hình ngày mới! cá Trân châu nổi lên trắng xóa cả bể !??? hoang mang quá! Mới alo cho anh bạn bán cá! Bạn ta trả lời tỉnh queo : “ Chắc do lạ nước hay thiếu oxy! A phải làm cái bể to vài m2 và sâu cỡ 50 cm cá mới đủ sống được! ”
Chao ôi, mất toi tiền cá rồi ! mà còn tức mình nữa là không có mồi cho bọn Cà cuống xơi nữa chứ! Cá thì chết hết, còn không có cái gì để nuôi cà cuống nữa chứ !
Sau đợt này, tôi vừa phải tức tốc làm ngay một cái bể bạt vuông tới 5 m2 để nhận cá về. cũng có cải thiện hơn, và duy trì thêm được một thời gian co tới khi vào mùa ếch đẻ lại! Nhưng sau này mới phát hiện ra một vấn đề là anh bạn nuôi cá, cứ mỗi khi giao cá đi, bao giờ cũng cho cá ăn vitamin từ hôm trước, và cho uống thuốc mê để vận chuyển cá cho dễ. Khi về tới mình, cá vì vẫn còn vitamin, nên còn khỏe, những cũng chẳng thèm ăn, rồi tới hôm sau mới lăn đùng ra chết!
Đúng là làm nghề gì cũng có cái mánh khóe của họ riêng! Chuyện này tình cờ tôi mới biết vì mua cá nhiều lần , bạn cũng thân hơn, và khi tôi thấy anh bạn đang thiếu cái máy nén xục khí, tôi sẵn đang dư 1 cái nên tặng luôn. Chắc vì cảm động nên mới bật mí chiêu đó với tôi!
Sau đợt đó, tôi thôi không lấy cá của anh bạn đó nữa, và chuyển lại mua nòng nọc.
Chuyện mua nòng nọc cũng khá tình cờ các bạn ạ.
Trong quá trình nuôi cà cuống, cũng từ hội nhóm facbook mà tôi cũng có quen thêm vài trại nhỏ nuôi cà cuống giống tôi. Và họ giới thiệu cho tôi thêm một trại nòng nọc nữa tận tây ninh. Giá rẻ chỉ bằng một nửa! trời ơi, thế là tôi chuyển sang mua ở nguồn đó luôn, tự đi lấy 1-2 lần, rồi sau đó hai trại kết hợp lấy chung một lượt, nên anh bạn chủ trại nòng nọc đồng ý chở luôn tận nơi! Ôi mừng quá! Và thế là tôi duy trì mối nòng nọc này cho tới mãi sau này.
Tôi sẽ còn kể cho các bạn nghe riêng về việc sau này tôi gây dựng trại ếch như thế nào nhé!
-
Cách nuôi cà cuống lúc mới nở.
Tôi bắt đầu nuôi những ổ cà cuống nở đầu tiên từ một loại thùng nhựa vuông 1m2. Loại thùng này tôi mua từ các bãi bán phế thải, rồi về cưa làm đôi được 2 nửa . Mỗi nửa cũng được 1 m2 diện tích mặt nước.
Ban đầu tôi cứ nghe anh bạn “ chủ thớt tử tế “ dặn sao làm thế. Chỉ để nước cỡ 5 cm thôi, và cho nhiều gạch vào cho tụi nó bám.
Rồi thả cá Trâm vào cho chúng ăn. Lúc mới cho vào thì thật tuyệt vời! Nước trong, cá nhiều, … cà cuống mới nở thì nhảy nhót bơi trong bể….
Ấy vậy mà sáng hôm sau ra thì thấy tụi cà cuống con nổi lên quá nửa! cá vẫn nhởn nhơ như thường. Tôi chưa hiểu lý do vì sao nữa ? Chỉ biết chụp ảnh gửi đi hỏi “ chuyên gia”.
Hóa ra lỗi đầu tiên tôi mắc phải là bỏ vào đó ít gạch quá, bọn cá bơi nhanh, bể rộng, cà cuống bơi mỏi cành không vồ được em cá nào cả! và chết vì đói thôi!
Đợt này tôi cũng mất thêm 1 vài ổ như thế.
Cải tiến, tôi bỏ thêm vào thật nhiều gạch, và tiếp tục thử nghiệm tiếp ổ mới. ( Thật rất may mắn cho tôi là đợt đẻ đầu tiên, cũng được cả chục ổ trứng!).
Đợt cải tiến này có hiệu quả hơn, sau 3-4 ngày chúng vẫn còn sống và cũng bắt đầu lột xác được lần 1! Thành quả đầu tiên cũng thấy thích . Cà cuống lột xác lần thứ nhất to gần gấp đôi con mới nở các bạn ạ. Vậy là bài học đầu tiên về nuôi cà cuống của tôi là tạo đủ giá thể bám cho cà cuống mới nở.
Tính tôi hay cải tiến và tìm hiểu. Tôi nhớ có lần tôi thấy ở to nở nhiều, nên thả vào khá nhiều cá ngay khi mới nở. (Cà cuống lúc mới nở có màu xanh lá cây , sau vài tiếng mới đen lại) . Nhưng lúc đó không biết rằng Cà cuống mới nở yếu và không ăn ngay, cho cá vào nhiều sẽ làm nó sợ, và cũng không dám ngo ngoe với lũ cá đông đúc, chúng leo cả lên vách bể… rồi cũng chết.
Bài học thứ 2 là khi nuôi cà cuống mới nở, phải chú ý không cho quá nhiều mồi và mồi cũng phải vừa kích cỡ với cà cuống.
Nói tóm lại, chăm nuôi cà cuống mới nở lúc mới bắt đầu chưa quen, thật vất vả. Vì từ mồi, nước, mực nước, rồi cả nguồn nước, kích thước con mồi, thời điểm cho mồi vào, cho nhiều hay ít, giá thể bỏ vào cho nó bám…. Tất tần tận đều ảnh hưởng rất nhiều tới sự sống còn của chúng. Hao hụt là chắc chắn , vấn đề là làm sao giữ được càng nhiều càng tốt.
Về sau khi đã thạo, thì chỉ cần làm đúng và đủ các yếu tố trên, là mọi thứ bắt đầu ổn hơn.
Tôi tổng kết lại, sau đợt trứng đầu tiên, từ lúc có khoảng 10 ổ trứng, tới khi cà cuống trưởng thành (Lột xác lần 5 ), cho tới ổ cuối cúng thì tất thảy chắc tôi cũng chỉ còn lại được khoảng … 1 ổ mà thôi! Đó là thành quả của đợt trứng đầu tiên của tôi lúc khởi nghiệp các bạn ạ!
Sau đợt đó, tôi nghĩ cần phải cải tiến lại bể khi cà cuống mới bắt đầu nở.
Tôi đã thử nhiều cách để làm sao vừa nhỏ gọn dễ quản lý, làm sao dễ thay nước sau vài ngày bỏ mồi và cho chúng ăn. Vì xác cá sau khi ăn, nếu không vớt ra kịp thì ngày hôm sau sẽ thối và nước cũng bị ô nhiễm, rồi cà cuống cũng chết.
Và cuối cùng tôi nghĩ ra làm cái lồng và làm cái bể bằng lưới mịn.
Kích thước mỗi lồng 30 x 60 Cm. vừa đủ cho 1 ổ trứng nở. Lồng lưới có cái hay là nước thống thoáng với bể nước bên ngoài, nên nước không bị ô nhiễm, cá và cà cuống không lọt ra ngoài được.
Hơn nữa, lồng lưới thì cũng rất dễ để cà cuống con bám vào đó coi như giá thể luôn.
Và cái “ phát minh” này, tới giờ tôi vẫn còn đang sử dụng. Rất hiệu quả và cà cuống cũng rất thích.
Nuôi cà cuống mới nở trong lồng cho tới khi lột xác lần 2 ( Tức là sau 6-7 ngày từ lúc nở) thì có thể thả ra bể lớn được rồi. Lúc này chúng cũng to bằng con ruồi to rồi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm. Ăn được cả cá to hoặc nòng nọc cỡ 15 ngày tuổi rồi, nên an toàn.
Tóm lại, cà cuống giai đoạn mới nở cũng không phải là khó nuôi đâu các bạn ạ. Tôi có thể liệt kê ra đây vài yếu tố quan trong nhất về kỹ thuật nuôi cà cuống cơ bản, mà nếu làm đúng thì hệ số sống qua giai đoạn lột xác lần thứ nhất và lần 2 khá cao :
- Mồi nuôi cà cuống phải đúng kích cỡ với chúng! Nói chúng là về kích thước môi to bằng hoặc nhỏ hơn chút ít so với chính con cà cuống mới nở là chúng nó ăn được. Không to quá, và cũng không nhỏ quá.
- Mồi to quá, thì chính cà cuống mới nỏ lại thành mồi cho chúng. Đó là lý do tại sao có những lần cả đàn cà cuống mới nở đẹp vậy, ấy thế mà hôm sau không còn lấy một con! Còn cá mồi bơi tung tăng vui vẻ lắm !
- Nuôi cà cuống mới nở trong không gian hẹp vừa phải, tốt nhất là trong bể lưới .
- Mực nước khi nuôi cà cuống mới nở chỉ cỡ 5 cm trở về.
- Nước nuôi cà cuống tốt nhất là nước ao, còn nếu là nước khác, thì tốt nhất cần có thời gian để vài bữa cho nước “ mềm” ra so với trạng thái ban đầu. Thả bèo vào vài hôm là tốt nhất.
- Môi trường nuôi cà cuống nên bỏ thêm nhiều giá thể như bèo, rong, gạch… cốt vừa để chúng bám vào và vừa làm thêm chướng ngại vật, để lũ mồi khó di chuyện hơn, cà cuống dễ bắt hơn.
- Lúc cà cuống chuẩn bị lột xác ( 3 – 4 ngày sau khi nở) không nên thả nhiều cá vào nhé. Chúng nó xao động mạnh, lũ cà cuống cũng sợ và không an toàn khi lột xác.
- Trong quá trình nuôi cà cuống , không nên thả lộn cà cuống khác ngày tuổi vào chung một lồng, vì chúng sẽ tranh giành mồi con nhỏ khó kiếm ăn hơn.
- Cũng không nên thay nước trong giai đoạn này. ( Tất nhiên nếu nước quá bẩn thì phải thay, nhưng khi đó, cần phải giữ lại ít nhất 30% lượng nước cũ, và cũng phải là loại nước an toàn như đã nói ở trên nhé.)
- Nuôi cà cuống phải chú ý lúc chúng mới lột xác. Khi đó chúng cũng có màu xanh và rất yếu. Vì thế cần chờ sau vài ba tiếng hay thả mồi mới nhé.
Vậy là tôi đã kể cho các bạn nghe những gì tôi đã trải qua giai đoạn đầu tiên nuôi cà cuống rồi đó!
Còn rất nhiều vấn đề khác nữa về mô hình nuôi cà cuống, về kỹ thuật nuôi cà cuống,…. tôi sẽ kể cho các bạn tiếp trong tập sau nhé.
Và nếu như trong số các bạn đọc được bài này của tôi, mà có những “ kinh nghiệm ” hay hay khác của riêng bạn, rất hoan nghênh bạn gửi bài cho tôi và các bạn khác cùng nghe ở dưới đây nhé !!!
Thân ái chào các bạn.
TNGFARM
Tony Nguyễn.