Contents
Thức ăn cho cà cuống là gì ? Tôi đã vật lộn với nguồn mồi nuôi suốt 3 năm qua như thế nào ?
Chào các bạn, tôi trở lại lần này với chủ đề Thức ăn cho Cà cuống .
Trong số này :
Thức ăn cho cà cuống
Nuôi cá mồi cho cà cuống
Nuôi ếch đẻ nòng nọc làm thức ăn cho Cà cuống.
Nuôi Dế mèn làm thức ăn cho cà cuống.
Thức ăn cho cà cuống
Trong suốt 3 năm nuôi Cà cuống, tham gia nhiều nhóm hội nuôi trên facbook, và gặp gỡ với các bạn trẻ ở nhiều nơi, tôi thường thấy câu hỏi đầu tiên các bạn hay hỏi tôi đại loại là về chủ đề như : “ Đầu ra của cà cuống ?” hay “ Giá bán cà cuống thịt” hoặc “ nuôi cà cuống có lãi hay không ?” ,…
Thực tế tôi cũng hiểu nên rất thông cảm được cho các bạn, vì đó cũng chính là tâm lý của tôi lúc mới bắt tay vào thử nghiệm nuôi giống cà cuống!
Tôi cũng cứ băn khoăn không hiểu “nếu” nuôi thành công được rồi, thì những câu hỏi kia có lời giải hay không ?
Nhưng cho tới bây giờ, tôi muốn nói với các bạn trẻ , những ai đó mà có đam mê nông nghiệp, và muốn khởi nghiệp từ việc chăn nuôi cà cuống giống tôi, thì lời khuyên đầu tiên tôi muốn khuyên các bạn rất chân thành ngay lúc đầu tiên đó là : Hãy dành thời gian, công sức cho việc chuẩn bị thật tốt “ Thức ăn cho cà cuống “!
Chắc chắn rằng sẽ có quá nhiều yếu tố khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thành hay bại trong chăn nuôi cà cuống !
Nhưng với tôi, thức ăn cho cà cuống có lẽ là quan trọng nhất !
Và còn hơn thế nữa, tới giờ tôi cũng vẫn nói rằng, nuôi cà cuống chủ yếu … không phải vất vả vì nuôi cà cuống ! mà vất vả chủ yếu trong công đoạn gây dựng nguồn thức ăn cho cà cuống !
Thức ăn cho cà cuống ngoài tự nhiên khá đa dạng như cá, nhái, tép v.v.
Thậm chí nhiều trường hợp còn tấn công những động vật có kích thước lớn gấp nhiều lần như rắn, rùa.
Cà cuống là loài côn trùng hút máu, chúng thường ẩn nấp và phục kích con mồi trong các đám rong rêu hay bèo rậm rạp.
Khi phát hiện con mồi cà cuống sẽ dùng hai chi trước có cấu tạo giống như hình “lưỡi liềm” để tấn công và tiêm vào con mồi chất dịch gây tê. Sau đó, nó hóa lỏng các bộ phận bên trong cơ thể con mồi để hút chất lỏng này.
Chúng ta nên chọn Thức ăn cho cà cuống có kích thước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cà cuống.
Thức ăn nên có kích thước bằng một nửa đến bằng kích thước cà cuống, không nên chọn thức ăn cho cà cuống quá lớn hoặc quá nhỏ, đặc biệt, thức ăn phải tươi sống và không được cho chúng ăn đồ ươn hay chết.
Chỉ cần đáp ứng riêng đặc điểm này cho trại cà cuống của các bạn thôi, cũng đã rất vất vả rồi đó.
Bởi vì nếu không chủ động được chủng loại cũng như kích thước và số lượng con mồi tương ứng với từng giai đoạn cà cuống từ lúc nở ra cho tới khi trưởng thành, chúng ta cũng đã phải mất đi kha khá một lượng cà cuống không “trụ” lại nổi, mà trong giới nuôi cà cuống hay dùng từ “ hao hụt” .
Để tôi nói rõ hơn cho các bạn hiểu về vấn đề thức ăn cho cà cuống này nhé !
Từ khi nở tới khi trưởng thành, cà cuống trải qua 5 lần lột xác, và cứ sau mỗi lần lột thì kích thước của nó lại to thêm gấp 2 lần !
Đặc tính của loài này là con mồi bé quá, hoặc to quá cũng đều k … “thèm ăn” ! thế nên, mồi cho mỗi giai đoạn lớn của chúng cũng phải thay đổi theo!
Đây chính là một điều nan giải cho anh em chúng ta khi nuôi loài này đó các bạn ạ.
Thứ 2 nữa là, nếu chúng ta không có nguồn mồi dư dả, nhiều khi mồi bé lớn to đùng hết cả rồi, nhưng lũ cà cuống con lúc đó mới nở lứa mới! không có mồi chung lũ baby này thì chỉ trong 2 – 3 ngày sau nở, là tất cả sẽ ra đi hết!
Mà nếu bất quá ném lũ mồi bự vào, thì không những chúng chẳng ăn được mồi, mà còn bị … mồi xơi hết!!
Đã có nhiều khi sáng ra nhìn bể cà cuống mở nở hôm qua, mà không còn được con nào , mà cá mồi bự thì … bơi tung tăng vui vẻ lắm !
Ấy là còn chưa kể đến trường hợp, mồi để làm thức ăn cho cà cuống thì nhỏ bé xinh xinh vừa miệng rồi đó, thả vào cũng rõ nhiều ! ấy vậy mà cà cuống vẫn nổi bụng lên như bèo tấm trắng phau hết cả bể!
Lý do chỉ đơn giản là mồi còn bơi nhanh hơn cả bọn cà cuống baby! Mới nở sao đuổi lại được với lũ cá tinh ranh, bơi vèo vèo! Và thế là chết đối mà nổi lên mặt nước thôi!
Cà cuống xếp vào loài ăn thịt và theo kiểu chích hút. Nhiều người cho rằng, cà cuống là loài hút máu. Nó bắt con mồi hút máu để sống.
Nhưng thực ra, nó không chỉ hút máu mà còn hút cả chất dinh dưỡng có trong con mồi. Giống như con nhện, cà cuống chích chất tê vào con mồi, sau đó làm hòa tan chất hữu cơ có trong cơ thể con mồi và hút hết.
Con mồi chỉ còn trơ lại cái xác. Vì vậy, thức ăn cho cà cuống khá phong phú.
Ngoài các loài động vật thủy sinh như tôm, cá, ếch, nhái, lươn,… nó còn bắt cả các loài động vật sống trên cạn để làm thức ăn như cào cào, châu chấu, dế,…
Trong suốt 3 năm nuôi cà cuống, tôi cũng đã rất vất vả để tìm tòi các loại con mồi khác nhau để làm thức ăn cho cà cuống, thử nghiệm mua, nuôi,… thay đổi để sau cũng có thể rút ra được một vài kinh nghiệm bản thân, tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn .
Đối với những ai xác định làm chăn nuôi chuyên nghiệp, lâu dài, thì nguồn thức ăn cho cà cuống phải làm sao thỏa mãn được ít nhất các tiêu chí như sau các bạn nhé :
- Phải chủ động nuôi được con mồi !
Bởi vì nếu các bạn đi mua mồi thì sẽ rất phụ thuộc vào nguồn cung cấp! Giá cả không bao giờ là ổn định .
Phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khác như vận chuyển, mua thuận mùa nghịch ( ý tôi muốn nói tới mua mồi sinh để tốt và trái mùa).
Đợt Covid năm vừa rồi, đã có nhiều trại do không chủ động được nguồn thức ăn cho cà cuống, mà phải phá bỏ hết bể, còn cà cuống bố mẹ đang đẻ cũng cho vào… bình ngâm rượu hết cả !
- Nên có một vài loại mồi khác nhau, để vừa phù hợp với “tuổi đời” của cà cuống, vừa có thể thay thế nhau những khi bị nhỡ nhàng.
- Hãy cố gắng tìm loại mồi nào phù hợp với địa lý của các bạn nhất, nhưng hãy chú ý làm sao chi phí chăn nuôi là rẻ nhất! Vì chi phí thức ăn cho cà cuống sẽ chiếm tới hơn một nửa chi phí cà cuống thành phẩm của các bạn đó! ( Nếu như toàn bộ mua thì coi như hết hoặc lỗ nếu tỷ lệ hao hụt cao).
Dưới đây là một vài chủng loại con mồi có thể dùng làm thức ăn cho cà cuống, mà tôi và các trại cà cuống các nơi đã từng dùng các bạn nhé :
-
Nuôi cá mồi cho cà cuống
- Có rất nhiều loài cá cỡ nhỏ có thể nuôi để làm thức ăn cho cà cuống như cá dầu, cá mại, cá mương, cá diếc, cá trân châu, cá bình tích, cá trâm, cá bảy màu.…
- Tùy theo từng giai đoạn trưởng thành, ta chọn và thả chúng ngay vào bể nuôi cà cuống.
- Giống như trong tự nhiên, chúng cùng sống với nhau. Cà cuống sẽ săn lùng cá để làm thức ăn.
- Chúng vồ và kẹp chặt con cá, tiêm chất tê và tiết enzyme phân giải vào con mồi; sau đó nó hút hết chất bổ trong cơ thể con mồi.
- Nó chỉ nhả ra khi con mồi chỉ còn cái xác. Ta cần theo dõi hàng ngày lượng cá có trong bể. Nếu thấy ít thì ta cho thêm cá vào. Không nên cho quá nhiều cá mà chỉ nên cho một lượng vừa đủ để tránh làm ô nhiễm môi trường nước nuôi.
- Cá sẽ được nuôi trong các bể bạt nhân tạo, hoặc hồ tự nhiên hoặc các lu, vại, chum khác để cung cấp dần dần cho cà cuống.
- Nhưng cần “quản lý” được lũ cá nuôi, để còn dễ dàng vớt chúng lên mỗi khi cho cà cuống ăn.
- Tùy từng loại cá mà chúng ta cần thay, tháo nước thường xuyên và tăng cường ôxi cho các chỗ nuôi cá đó hoặc không cần ! Và lời khuyên của tôi với các bạn là hãy chọn loại cá nào… dễ nuôi, đơn giản nhất nhé Khi thu cá, nên dùng vợt mềm để bắt, chọn những con vừa kích thước để đưa vào bể cà cuống.
- Cá nuôi bằng các loại cám thủy sản, hoặc tự làm bằng cách say từ hạt đỗ tương ra, thậm chí khi “gột cá bột”, thì phải mua các chồng vỉ trứng gà sẵn , luộc rồi say nhuyễn ra chăm lũ cá con….
- Tôi đã có một thời gian thử nghiệm khá nhiều loại cá khác nhau làm thức ăn cho cà cuống, từ mua sẵn theo kích cỡ, tới đi lần mò tìm nguồn “ cá bột” ( Cá mới đẻ được vài ngày, còn cực kỳ nhỏ, chỉ như mắt muỗi thôi) về để học nuôi và trải nghiệm.
- Nhưng cuối cùng thì hiện nay tôi đang dừng lại ở loại cá bảy màu. ! ( Ở các bài sau tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn nuôi cá như thế nào nhé ).
-
Nuôi ếch đẻ nòng nọc làm thức ăn cho Cà cuống.
- Nòng nọc có nhiều loại khác nhau, trong đó đa số các bạn có thể dùng làm thức ăn cho cà cuống như nòng nọc của ếch, nhái, ễnh ương,… trong đó nòng nọc ếch khá khó nuôi, nhưng quan trọng là nguồn trứng ếch thì nhiều và có thể mua được.
- Cà cuống mà được ăn mồi nòng nọc là nhất! vì nòng nọc lù đù bơi chậm, dinh dưỡng cao, nên cà cuống cực kỳ thích ăn. Lớn mau tỷ lệ sống rất cao.
- Trứng nòng nọc có thể mua từ các trại nuôi ếch được, nhưng giá khá cao và luôn thay đổi theo mùa. ( Mùa ếch không đẻ quãng từ tháng 10 – tháng 2 năm sau, nên giá trứng tăng lên rất cao, hoặc các chủ trại không bán trứng, để giữ lại gấy đàn ) nên chỉ thích hợp làm thức ăn cho cà cuống còn nhỏ.
- Nòng nọc ngoài tự nhiên rất dễ nuôi chúng lớn nhanh, chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày. Sau 7 ngày có thể sử dụng làm mồi cho cà cuống mới nở. Mồi này rất tốt, các cuống ăn sẽ lớn rất nhanh và đều.
- Trứng cà cuống có thể tự có được bằng cách nuôi ếch đẻ, và thức ăn cho ếch đẻ sẽ cần tới cám thủy sản loại giàu đạm, cần cho ăn và vệ sinh chuồng trại thường xuyên vì ếch là loại khá dễ mắc bệnh ! Thức ăn cho ếch còn phải bổ xung thêm khá nhiều thứ vitamin, thuốc kháng sinh, men tiêu hóa,…
- Nếu các bạn muốn sử dụng nòng nọc làm mồi nuôi cà cuống, thì lời khuyên của tôi là : Hãy tập nuôi ếch đẻ ! Và đồng nghĩa với việc các bạn sẽ làm … chủ của một trại ếch đẻ nhé!!! ( Các bài sau tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn thêm về … nuôi ếch như thế nào nhé !)
-
Nuôi Dế mèn làm thức ăn cho cà cuống.
- Dế là nguồn thức ăn rất tốt cho cà cuống, loại mồi này đáp ứng được khá nhiều tiêu chí như tôi đã nói với các bạn ở trên.
- Khi cho dế vào các bể nuôi cà cuống, chúng sẽ leo hết lên các giá thể như bèo, hoặc cây que, …. để trú, tuy nhiên, cà cuống không tha cho chúng. Nó sẽ bò lên, tìm những “chú” dế béo múp và vồ lấy ngay.
- Mọi việc diễn ra như khi nó vồ những con cá. ( Tất nhiên, việc làm giá thể như thế nào, và phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cà cuống, tôi sẽ nói rõ hơn cho các bạn ở phần sau nhé).
- Dế cũng có thể mua được từ các trại nuôi dế chuyên nghiệp, giá cả thì không thay đổi nhiều và nhanh như nòng nọc, nhưng thường thì chúng ta chỉ có thể mua được những loại dế trưởng thành thôi. ( Dế được 18- 20 ngày tuổi trở lên)
- Thế nên, ở những giai đoạn bé hơn, cà cuống vẫn thích ăn thì lại không có để cho ăn, vậy nên, tốt nhất là ta phải tự nuôi dế để làm thức ăn cho cà cuống! Cũng đồng nghĩa với việc các bạn sắp chuẩn bị trở thành chủ của trại dế rồi đó!!!
- Nhưng tin vui cho các bạn là công sức và chi phí của việc nuôi dế so với nuôi ếch đẻ thì có lẽ cũng chỉ 3/10 mà thôi!!! Và đó cũng là lý do tại sao tôi quyết định không làm … “ chủ trại ếch đẻ” nữa mà chuyển qua làm … “chủ trại dế” các bạn ạ.
- Chỗ nuôi dế không cần rộng. Để nuôi dế phục vụ cho việc nuôi cà cuống thì ta không cần nhiều diện tích.
- Tùy vào quy mô nuôi cà cuống mà ta bố trí chỗ nuôi dế rộng hay hẹp. Thông thường chỉ cần vài mét vuông để đặt các thùng nuôi dế.
- Đó có thể là sân trước nhà, sân thượng, nhà kho, hành lang hoặc những khoảnh đất trống trong vườn. Không nên nuôi cạnh phòng ngủ của ta vì buổi tối, dế thường gáy để gọi nhau, rất ồn ào. Nếu để ở ngoài trời thì cần có mái che để tránh nước mưa hắt vào.
- Cũng phải đề phòng những kẻ thù của dế như chim chóc, thạch sùng, cóc, nhái,…
- Thức ăn để nuôi dế khá đơn giản và dễ kiếm, từ rau muống, bí ngô, lá rau, lá chuối, thân chuối,…. Nói chung ta dễ tìm và có thể là miễn phí, nếu các bạn có điều kiện không gian rộng phù hợp.
- Ngoài ra cần thêm cám gà công nghiệp là chúng nó đã rất thích rồi! ( Bài tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm nuôi dế làm nguồn thức ăn cho cà cuống nhé !)
Các bạn ạ, như vậy trong bài này, tôi đã chia sẻ với các bạn một vài dạng nguồn mồi làm thức ăn cho cà cuống.
Cho tới hiện nay, sau rất nhiều vật lộn và trả giá với hầu hết các loại mồi nói trên, tôi đang duy trì 2 nguồn mồi là Nuôi cá và Dế!
Với quy mô chưa phải là lớn nhưng tôi thấy rằng, với hai nguồn mồi này, chi phí và công sức bỏ ra là thấp so với các phương pháp nuôi khác. Hơn nữa, tôi còn có thời gian để làm được những việc khác nữa các bạn ạ.
Trong các bài tiêp theo, tôi sẽ từ từ chia sẻ tiếp cho các bạn những kinh nghiệm khi tiến hành nuôi từng loại con mồi làm thức ăn cho cà cuống nhé.
Hy vọng bài viết có ích gì đó với các bạn, và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé.
Thân chào các bạn.
Tony Nguyễn.